Hội Đồng Hương Xã Đức Nhuận - Huyện Mộ Đức - Tỉnh Quảng Ngãi

http://ducnhuan.quangngai.online


Tiếng gà trưa bên sông Vệ - Xã Đức Nhuận

ông Vệ có đó giữa đời ta, không biết bao nhiêu ngàn tuổi. Người Quảng Ngãi cũng như người miền Trung thường lãng mạn gọi tên những dòng sông thân yêu của quê nhà mình bằng một chữ cho dễ yêu, dễ nhớ. Do vậy mà sông được gọi là sông Vệ. Từ trong sâu kín của lòng mình, tôi yêu hai tiếng sông Vệ. Nó khiến tôi nhớ đến một người bạn thân thiết đã sinh ra trên miền đất này.
Bình yên sông quê. ẢNH: BÙI THANH TRUNG

Sáng 24 Tết, tôi còn lang thang trên cao nguyên. Người lái xe nhắc tôi: “Thôi, mình về anh hỷ?”. Tôi nói: “Rồi, anh em mình về”. Trong lúc ăn sáng, người lái xe hỏi: “Chừ anh muốn đi đường nào xuống Quảng Ngãi đây?”. “Anh không biết. Em chạy đường nào dọc theo sông Vệ thơ mộng, anh muốn nhìn dòng sông ấy một chút”. “Em sẽ đi đường 624B. Đường này thơ mộng lắm”.

Mà quả là con đường thơ mộng thật. Nó khá tốt, có những dốc uốn lượn nhẹ nhàng, hai bên có nhiều cây lá xanh tươi và đặc biệt là ít xe chạy. Mùa xuân đến, sông Vệ xanh và trong vắt như một dải lụa mềm, êm đềm xuôi về hướng đông bắc; qua những đồi núi mơ màng, những bờ tre, bãi mía, đồng lúa đông xuân xanh tươi.

Trời nắng nhẹ, cái màu nắng trong và tinh khiết khiến cả thiên nhiên như được khoác lên tấm áo mới. Tôi đăm đăm nhìn qua hướng dòng sông; người lái xe hiểu ý tôi, hạ kiếng xuống và tắt máy lạnh. Tôi nghe được mùi thơm hồn nhiên của vài vạt lúa đang trổ đòng. Thật không có tiền bạc nào có thể mua được một không khí trong lành như vậy.
“Còn hai chục cây số nữa là đến thị trấn sông Vệ rồi đó anh”, người lái xe nói. “Ừ, em dừng lại cho anh xem sông Vệ một chút. Bề gì thì anh em mình cũng ăn trưa ở Quảng Ngãi, mua mỗi người một hộp cá bống sông Trà rồi mới về Sài Gòn. Em xem, tối nay ta đến nhà được không?”. “Dư sức. Xe mình mới chạy mười mấy ngàn cây số; em siết khoảng 9 giờ đêm là tới”. Chiếc xe tấp vào bên vệ đường rộng, dưới bóng mát một cây cao cành lá sum suê. Dưới gốc cây có nhiều rơm rạ; có lẽ đây là nơi những người nông dân đưa lúa lên để chở về nhà. Tôi mở cửa xe ra, sảng khoái thưởng thức hương đồng gió nội tinh khiết của đất trời sông Vệ.

Bỗng nhiên, tiếng gà trống gáy từ trong xóm xa theo hơi gió đưa đến tai tôi, rõ mồn một. Tiếng gáy ấy tràn đầy nội lực; âm thanh dày và vang vọng; tạo ra một âm hình bốn nốt rõ ràng. Tiếng gà gáy hòa bình, trung chính đến với tôi như một món quà quý giá và bất ngờ trên đường qua sông Vệ.

Tôi sinh ra ở Quảng Nam. Từ ngàn xưa, Quảng Nam và Quảng Ngãi là anh em ruột thịt một nhà; thiên nhiên giống nhau, nếp sống và nếp suy nghĩ của con người rất gần gũi nhau. Trên sáu mươi năm sống giữa Sài Gòn, tôi đã mất đi tiếng gà gáy chân phương hồn hậu của quê nhà vang lên trong màu nắng mới; mất đi cái âm ba đồng vọng kéo dài qua bờ tre, bãi mía, nương dâu - âm ba biểu tượng của một đời sống thanh bình, hạnh phúc giữa làng quê Việt Nam. Vậy mà hôm nay, trên đường qua sông Vệ, tôi lại tự nhiên đón nhận hạnh phúc được nghe lại tiếng gà trưa thân yêu ấy.

Tôi nhắm mắt mường tượng ra hình ảnh một chú gà trống đầu đàn uy phong; có cái mào đỏ chót, đôi mắt sinh động, bộ lông sặc sỡ thật đẹp đang đứng trên đụn rơm cao vươn cổ ra gáy chào nắng mới. Tiếng gáy của chú gà trống mang hồn quê hương sung mãn nội lực khiến tôi và anh lái xe đều cảm thấy hạnh phúc. Anh ấy cũng như tôi; chúng tôi ra đi từ lũy tre làng của miền Trung ruột thịt. Cuộc sống cuốn hút tôi, đưa tôi đi đến những bến bờ xa lạ. Tiếng gà trưa bên sông Vệ đã kéo tôi trở lại với chính mình.

Cả một bầu trời thanh xuân bát ngát hiện ra trong ký ức của tôi. Mẹ tôi nhẹ nhàng ru em tôi ngủ trong chiếc nôi tre; khuôn mặt bà thật hạnh phúc khi nhìn thằng bé ngủ say. Cha tôi đang đọc Đông Châu liệt quốc; cuối cùng đôi mắt lim dim để cho quyển sách rơi xuống người mình. Chị tôi đang xắt rau trộn cám cho heo ăn. Còn tôi thì đang lẩn thẩn thả hồn mình bay bổng theo tiếng gà trưa quê nhà khi con bướm vàng khẽ khàng đáp xuống chùm hoa cải ngoài hiên vắng. Đó là những hình ảnh của tháng ngày hạnh phúc sống ở làng quê.

Có những giá trị văn hóa tinh thần lỡ bị đánh mất đi mà ta không nhận ra cho đến khi ta tình cờ tìm lại được thì ta mới biết mình đã đánh mất nó. Với tôi, tiếng chú gà trống gáy lên trong những buổi trưa thanh bình êm ả là một giá trị văn hóa tinh thần như vậy. Phải đợi đến hôm nay, trên đường qua sông Vệ, nghe được tiếng gà gáy trưa từ một thôn xóm thanh bình, tôi mới hiểu ra rằng đã mấy mươi năm mình đánh mất tiếng gà trưa. Và tôi cũng nhớ ra mấy mươi năm mình đã mất đi một tình bạn.

Sông Vệ mùa xuân êm trôi, dòng chảy thật dịu dàng. Sông vẫn trong và xanh như một dải lụa mềm, trôi đi như vạn năm nay vẫn trôi đi. Sóng sông êm đềm đang chở tiếng gà trưa về biển lớn.

“There is a river called the River of No Return/ Sometimes it is peaceful/ And sometimes it is wild and free/ Love is traveler on the River of No Return/ Swept on for ever to be lost in the stormy sea”. Tạm dịch: “Có dòng sông tên là Không Trở Lại/ Khi êm đềm, khi hoang dã, tự do/ Tình như khách qua sông Không Trở Lại/ Nước mắt rơi trong biển bão bao giờ”. (Lời hát trong ca khúc The River of No Return).
 

Tác giả bài viết: VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây